GIỌT ÂM THANH
Truyện của Nguyễn Thị Thanh Thùy
( lớp 11 Toán NK 2011-2012, trường THPT chuyên Lương Thế Vinh – Biên Hòa – Đồng Nai )
- Con có thể chơi piano! Con sẽ biết được rất nhiều về bản thân mình.
***
Trăng tròn vành vạnh, như chiếc bánh sữa vàng óng ngòn ngọt. Tiếng chuông nhà thờ bing boong kéo theo tiếng trẻ con ríu rít khắp ngõ xóm. Bé nào cũng xách lồng đèn: giấy, kéo quân,...háo hức đến nhà thờ. Hôm nay là lễ tết Trung thu. Tâm bước hân hoan lên gác đàn, cậu sẽ đệm những các khúc vui tươi của tuổi thơ trẻ. Cậu lắng nghe từng âm thanh đó và ghi nhớ trong tâm trí. Tiếng nói trong trẻo thơ ngây của bé gái, tiếng gọi nhau hào hứng của bé trai, tiếng cười của các bà mẹ bế con thơ đi lễ, âm thanh như theo từng nơ-ron trong đầu Tâm để đôi tay cậu lướt trên phím đàn thổi hồn vào hòa khí vui vẻ, hồn nhiên.
- Amen.
Ánh đèn vàng nhạt tỏa xuống Thánh đường. Những cặp mắt long lanh, thơ ngây ngước nhìn lên bàn Thánh trang nghiêm, quỳ gối và chắp tay nguyện cầu.
Cha Phanxico Khánh đang cử hành Thánh lễ. Cái nhìn của Ngài rộng mở ghi lại trong cuộn phim kí ức vẻ đẹp trong sáng ấy. Cha nhìn lên về phía gác đàn rồi ngài tha thiết cầu xin cùng Chúa:
- Xin Chúa luôn ngâng đỡ, che chở và nuôi dưỡng các con.
Có hai người trong suốt nhìn vào đôi mắt hạnh phúc của cậu bé trên gác đàn
***
- Cha sẽ đến Nhà Nguyện, con đi cùng cha chứ?
- Vâng.
Lời kinh cầu lặng thầm trong bóng tối Nhà Nguyện. Không gian là một khoảng thinh lặng tuyệt đối, chỉ có ánh đèn trầm lắng màu đỏ bao quanh ảnh Chúa chịu khổ nạn và ánh nến vàng rực cháy. Cha Khánh ngước lên nhan thánh Chúa, những ngón tay cha đan vào nhau đặt trước ngực – nơi Thánh giá của chuối tràng hạt đang nằm lặng lẽ lắng nghe tiếng lòng từ trái tim cha. Tâm bước đến chiếc dương cầm và đánh một bản nhạc không lời.
Những nốt chậm rãi, nhưng dứt khoát, rồi nhanh dần, ngón tay cậu miết mạnh trên phím đàn, những nốt cao đầy kịch tính như bám vào màn đêm xung quanh rồi bung ra từng mảnh, mềm mại mà sắc bén, gom gọn và rời rạc, như cứa vào ai, như gim chặt vào một người. Cha Phanxico khẽ nhắm mắt, rãnh giữa hai hàng lông mày sâu hút, cặp mắt sâu của Ngài như xé toạc bóng tối nhìn thấu thần trí của Tâm, đôi tay cha khẽ nâng Thánh giá trước ngực:
- Xin Chúa chỉ dạy con đường lối sáng suốt của Người.
Có hai người trong suốt với thứ ánh sáng bàng bạc lờ nhờ tỏa ra xung quanh, họ lo lắng nhìn Tâm đang thất thần cũng những suy nghĩ.
Trên đường dạo bước về phòng mình, cha hỏi Tâm:
- Trên lớp có chuyện gì không vui sao con?
Tâm lặng im. Gió hun hút đi vào bóng đêm như một lỗ đen không đáy. Cậu hít một hơi thật sâu rồi nói tất cả:
- Sáng nay bạn ngồi cùng bàn với con trên lớp mất một số tiền lớn. Bạn ấy nằng nặc đổ lỗi cho con mặc dù không có bằng chứng gì về việc đó cả. Bạn còn chửi mắng, nói những lời xúc phạm con. Con rất tức giận, người bạn thân thiết con luôn tin tưởng hôm nay khiến con căm ghét...
Ánh mắt Tâm có lửa, ngọn lửa của lòng tự trọng bị xúc phạm được kiềm chế.
- Cha nghĩ là con hiểu rằng bạn ấy đang rất lo lắng và sợ hãi vì vừa bị mất số tiền lớn. Con đã im lặng để không cãi nhau hay thậm chí đánh bạn ấy đúng không con?
Tâm lặng lẽ gật đầu
- Khi lo sợ là lúc người ta yếu đuối và không thể tự mình kiểm soát. Hãy mở lòng tha thứ, cha tin bạn ấy sẽ sớm nhận ra lỗi lầm và xin lỗi con! À, hôm nay cha thấy hơi khó ngủ, con có thể chơi một bản nhạc nào đó không con?
- Dạ vâng, thưa cha.
Cha Phanxico dựa lưng vào ghế lắng nghe cho đến khi những nốt nhạc theo nhịp điệu đều đặn, chậm dần và bình thản, ngài mới đi nghỉ.
***
Một chiều trong veo như ánh mắt. Tâm ngồi nhìn qua khung cửa sổ để thấy cha Khánh đang tưới nước cho những bông cẩm chướng màu hồng nhạt. Tâm là đứa trẻ mồ coi được cha Khánh nhận nuôi và yêu thương hết lòng. Cha rất đặc biệt, ngài hiểu Tâm còn hơn cả chính bản thân cậu.
- Sao hôm nay con vui thế? – Cha Khánh đang xới đất để trồng thêm một bụi cẩm chướng nữa.
Tâm cười vui vẻ:
- Cha nói đúng đấy ạ! Hôm nay bạn ấy đến xin lỗi con. Nhưng...
- Nhưng sao hả con?
- Dạ...con không biết nói gì mà cứ im lìm, bạn ấy nghĩ là con còn giận nên trông bạn hơi buồn. – Cậu gãi đầu gãi tai ngượng ngùng.
Cha nghiêng đầu cười hiền rồi đáp:
- Con biết không, cẩm chướng được xem là biểu tượng của tình bạn. Ta sẽ không từ chối nếu con muốn ngắt một bông vào sáng sớm mai, con trai ạ!
Tâm cười tươi tắn:
- Con cảm ơn cha.
Cậu quay trở vào phòng để tập đàn cho thánh lễ chiều nay. Cha Khánh đang gieo những hạt hoa cẩm chướng xuống nền đất xốp mịn, Ngài lắng nghe và khẽ mỉm cười. Tươi tắn, hồn nhiên, và một chút chững chạc. Một tâm hồn đẹp.
Có một người phụ nữ trẻ và một người đàn ông trông như làn khói đứng bên Tâm. Người phụ nữ đưa tay xoa đầu cậu, người đàn ông đặt tay lên vai cậu, họ mỉm cười trìu mếm.
***
- Cha ơi! Cha có biết về ba mẹ của con không ạ?
- Cha biết chứ. Họ là hai chiến sĩ dũng cảm đã hy sinh trong trận Phước Thành năm 1961. Nhưng... con à, sao hôm nay con lại hỏi cha về điều đó?
- Con không buồn vì chuyện đó đâu ạ! Chỉ là... hôm nay con và Đan – người bạn con để kể cho cha nghe nói chuyện với nhau. Nếu như cha nói thì hai đứa con đúng là rất giống nhau đấy ạ, vì ba mẹ Đan cũng hy sinh trong trận Phước Thành năm ấy.
- Hai đứa có vẻ thân thiết lắm, khi nào có dịp thì dẫn Đan đến đây chơi nha con.
- Vâng ạ.
Tâm quay lưng bước đi. Trời đã tối mịt, cha Khánh tựa sát lưng vào ghế ngồi, tay ngài vịn chặt vào thành ghế, tâm trí cha hiện lên kí ức chôn chặt trong quá khứ của một đêm kinh hoàng.
***
Đêm 17/9/1961.
Nền đất âm ẩm mùi rêu, tảng đá lành lạnh mùi máu. Đồng chí Tâm bị đạn bắn vào ngực trái đang thở thều thào tựa người vào tảng đá gần đó. Đồng đội của anh vội vàng chạy tới, nữ quân y Đan lấy thuốc băng bó cho anh. Cha Phanxico Khánh lúc bấy giờ là đồng đội của họ đang trong bộ quân phục màu xanh lắng nghe động tĩnh xung quanh. Một sự im lặng khác thường mặc dù trước đó là một cuộc rã súng tan tác khắp khu rừng họ đang ẩn nấp.
ĐÙNG! ĐÙNG! BÙM!
Tiếng bom nổ, tiếng súng ra rả, máy bay quân địch cần kề trên đầu. Các chiến sĩ căng thẳng cực độ, họ bóp cò súng liên tục. Đan đỡ Tâm chạy đi ẩn nấp giữa những luồng đạn nguy hiểm. Đan thót tim khi thỉnh thoảng vài làn đạn sượt qua vai Tâm. Cha Khánh vừa giữ chặt tay súng vừa tìm cách tiến về phía Đan và Tâm đang ẩn nấp. Khi đến nơi, cha kinh hoàng nhìn vào gương mặt trắng bệch đau đớn của Tâm, một tay anh đang bấu chặt vào vết thương, một tay kia đỡ lấy lưng Đan đẫm máu. Tâm nhận ra được cha Khánh, tay anh đang giữ chặt vết thương run run tìm cách nắm lấy tay cha.
- Xin cha... chăm sóc...con của chúng con...
Đan gắng sức nói những lời cuối cùng:
- Một bé gái...ở quê sống với dì... có vết thẹo ở vai trái...xin cha...tìm...giúp...con...
- Cha sẽ tìm. Xin Chúa tha thứ cho các con những lỗi lầm nơi trần gian và đón nhận các con vào Nước Chúa. Amen.
- Amen.
Hai nhịp tim cùng tắt. Đan Tâm, tấm lòng son sắt, cả hai ra đi trong tình yêu, trong lòng trung thành với Tổ quốc cao quý.
***
Tâm là đứa bé được đặt tên theo tên ba cậu, là đứa trẻ cha đã gặp một lần ở chiến khu Đ. Nhưng còn bé gái kia, phải chăng sau bao năm tìm kiếm giờ đây cha lại tình cờ biết được? Có phải là Đan?
Có những điều thật nhiệm mầu.
Tiếng dương cầm man mác xuyên qua những tàn cây ngoài khung cửa. Âm thanh như chầm chậm làn rạn nứt từng lớp vỏ cây, từng lớp kí ức trong tâm trí cha, từng lớp xúc cảm trong trái tim Tâm. Những nốt nhạc thênh thang, hẫng hụt, thẫn thờ, hoài niệm.
Cha Khánh đi bộ trong đêm tối đến nghĩa trang của giáo xứ, ngài đến thắp nhang cho từng ngôi mộ nhỏ, rồi lặng lẽ quỳ trước tượng Chúa cậu nguyện hàng giờ. Tâm bước sau cha, cậu nhìn thấy hai bóng ma trong suốt trước mặt. Dường như có linh cảm, cha quay lại thấy Tâm đứng chôn chân một chỗ kinh ngạc. Cha Phanxico nhìn vào bóng hình gần như không thực ấy. Mặc dù trong suốt, nhưng cha biết họ mặt quân phục màu xanh. Mặt dù họ không nói gì, nhưng cha biết họ là ai. Cha quan sát Tâm, cậu đang bước về phía hai hồn ma như đi theo một luồng sóng kì lạ. Cậu thấy họ cười, cậu nhớ họ rất thân thuộc. Tâm tiến đến gần đưa tay lên toan chạm vào họ, tức thì, họ biến mất, tan vào màn đêm rất mỏng. Cậu bắt gặp ánh mắt cha Khánh đang nhìn mình lo lắng, cậu nhìn sâu vào đôi mắt ấm áp giữa bóng tối cô quạnh như muốn hỏi: “ Đó là ba mẹ của con?”.
Và ngài gật đầu.
***
Đan và Tâm lớn lên trong tình yêu thương của cha Phanxico Khánh. Tâm đi theo ơn gọi của mình trở thành một linh mục. Ngày 17/9/1996 diễn ra lễ thụ phong linh mục của cha Nguyễn Minh Tâm tại Tòa Giám Mục. Chiều ngày hôm ấy, cha Phanxico Khánh qua đời với bức thư chưa kịp trao tay cho Đan và Tâm.
“Đan Tâm yêu quý!
Cha muốn gọi tên hai con như thế để phần nào nhớ đến cha mẹ các con.
Đan là một cô bé giàu tình thương, thẳng thắn và sâu sắc. Con sống nội tâm và truyền tải cảm xúc của con vào những khúc vĩ cầm thật xúc động. Tuy không trực tiếp nuôi dưỡng con, nhưng cha mong đã dạy được cho con những điều tốt đẹp.
Cùng là nơi có nhiều cây, nhưng chỗ gọi là bụi rậm, nơi gọi là rừng. Cùng là nơi có nước, nhưng chỗ gọi là đầm lầy tù túng, nơi gọi là biển cả bao la. Cùng là nơi có gió, nhưng chỗ gọi là cuồng phong, nơi gọi là gió thoảng. Cùng là con người, nhưng có kẻ nản chí, có người biết vươn lên; có kẻ ích kỉ, có người biết sẻ chia; có kẻ kiêu ngạo, có người khiêm tốn.
Cha tin với những phẩm chất đáng quý, con sẽ trở thành một người có ích cho cuộc sống. Cầu Chúa chúc lành cho con.
Tâm thương mến, cha hạnh phúc biết bao khi con nói với cha rằng con muốn trở thành một linh mục. Cha thầm cảm tạ Chúa đã giúp Cha hiểu con hơn để hướng dẫn con trong cuộc sống. Cha đã rất lo lắng khi con lớn lên từng ngày với những suy nghĩ rộng mở dần và phức tạp hơn. Sự ngây thơ, hồn nhiên của con khi ấy dần dần được xen lẫn với những suy ngẫm của tuổi thiếu niên.
Con biết lắng nghe những cảm xúc vui tươi của trẻ thơ trong lễ tết Trung thu để phả hồn vào những nốt nhạc. Rồi con gặp những bất hòa, những hiểu lầm, lòng tự trọng của con mạnh mẽ hơn cảm xúc và lí trí. Đó là dấu hiệu của sự trưởng thành, biết tự tôn và trân trọng bản thân. Và con biết sống vị tha, biết sâu sắc qua ntâm đến suy nghĩa của người khác để thấy họ đang buồn và cân nhắc về cách cư xủ của bản thân thế nào cho phải. Biết yêu thương và chia sẻ là điều đẹp nhất của một con người. Sau hết, khi cha nghe con hỏi về ba mẹ của con, ta thầm lo con sẽ buồn và mặc cảm. Nhưng con đã mạnh mẽ nhìn nhận và tự hào về ba mẹ của con đã là những người chiến sĩ anh hùng. Con đã biết nghĩ đến hạnh phúc bản thân là được sống trong một gia đình đầm ấm. Rồi một đêm con lặng lẽ theo cha đến nghĩa trang, cha nhận ra trong con đang có những bí mật riêng tư và con cũng thấu hiểu người khác đang giữ những bí mật của riêng họ. Con đã đi theo Cha chỉ để biết trả lời cho câu hỏi sâu kín trong lòng con: cha làm gì, tại sao cha lại đi vào đêm khuya như thế? Con đã hiểu con người có cánh cửa tâm hồn, đóng hay mở là quyền của mỗi cá nhân. Nhưng cha đã để nó mở ra cho con, để con biết tất cả những gì về quá khứ của cha, mà con cũng liên quan đến quá khứ đó.
Cha rất xúc động về tiếng đàn của con, dường như nó gọi được suy nghĩ, cảm xúc, và cả quá khứ, để cha nghe được tiếng lòng con và để ba mẹ con – vốn đã thuộc về quá khứ, trở lại. Nhưng có lẽ con đồng ý với cha rằng, đấy không phải là những kí ức khô cứng lạnh lẽo, vì khi nhìn vào hai con: Đan và Tâm, cha lại thấy hình ảnh của Đan và Tâm ngày xưa.
Đan Tâm thân mến, các con không hề cô độc, vì ba mẹ các con ở trong chính các con.”
***
Vị linh mục trẻ bước vào phòng cha cố Phanxicô và đến bên cây đàn dương cầm. Người ấy nhìn vào những phím đen trắng hoài niệm và nhớ về ngày xưa. “Ngày xưa có lẽ con không cần chơi đàn, cha vẫn hiểu con. Nhưng giờ đây ngoài Thiên Chúa tối cao, trên thế gian ngày con ai hiểu con như cha đã hiểu?” Có những nỗi cô đơn đến tê tái.
Chợt tiếng vĩ cầm vang lên da diết đến xót xa, nỗi đau đớn, hẫng hụt hòa làm một, nỗi mất mát một lần nữa đầy ắp một con người. Ngày 17/9 định mệnh, ngày của những cái chết vẫn sống.
Âm thanh chầm chậm rơi như hạt sương trên nhánh cỏ, Đan đứng trong khu vườn nhỏ bên cạnh phòng cha cố và kéo đàn viôlông. Cô như nghe được tiếng thì thầm đau xót của em trai mình. Những giọt nước mắt lặng lẽ chảy dài trên má, Đan tựa đầu lên cây vĩ cầm đặt lên vai trái, vết thẹo bỗng dưng nhói đau.
Giọt âm thanh nghe đến ma mị.
Nuôi dạy một con người, đâu phải dễ?
Tìm kiếm một con người, đâu phải khó?
Tìm để rồi mất...
Chuyện của đời!
Nhưng cái chết không hẳn là một lời kết.
Biết đâu là một sự bắt đầu?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét