Dự Trại sáng tác văn học đề tài thiếu nhi vừa qua ở Vũng Tàu, NV Nguyễn Thái Hải hoàn chỉnh chùm truyện "Những sợi tóc sâu của mẹ". Chùm truyện gồm 18 mẩu chuyện nhỏ của nhân vật chính là chú bé Triều kể về Cha, Mẹ, Thầy Cô, Bạn, Quê hương, Ước mơ...
Nhân ngày 20/11 năm nay, Văn Thơ Thiếu Nhi giới thiệu một chuyện kể của Triều về thầy cô (Trích trong chùm truyện nói trên)
Mình khờ lắm!
Cô T. là cô giáo lớp cuối cấp bậc tiểu học của mình có nước da bánh mật rất duyên và là người đã bắt đến 9 lỗi trong bài chính tả đầu năm học của mình. Có lý do khách quan là mấy năm trước mình học các thầy cô nói giọng Bắc nên nghe chưa quen giọng đọc Nam bộ của cô, vì thế mới ra nông nỗi. Nhưng dẫu sao cũng là do mình không hiểu hết ý nghĩa của từng từ. Chính cô T. đã dạy mình điều này khi mình mếu máo "kêu oan" rằng mình đã viết theo đúng cách cô đọc. Cô đọc "hàng cao trước vườn" thì mình viết "hàng cao, cao o chứ không phải cau u"; còn cô đọc "ra giường rao" thì mình viết đúng như thế thay vì viết "ra vườn rau"... Cô phì cười và nhéo tai mình nói: "Sao em khờ quá vậy". Cô còn nói thêm: "Cố gắng hiểu nghĩa từng chữ để viết đúng mới là người biết yêu tiếng Việt!".
Sau bài chính tả "vô địch" lỗi ấy, mình đã làm được "cú đột phá" là dần dần trở thành "nhà vô địch viết chính tả không lỗi" trong lớp.
***
Năm trước đó, mình học thầy C. Thầy có vóc người nhỏ nhắn, tóc muối tiêu cắt ngắn và gương mặt khắc khổ nên tuy thầy nhỏ tuổi hơn ba mình, nhưng xem ra lại già hơn. Mình còn nhớ hồi mới vào học lớp thầy, ba mình đã dẫn mình tìm đến nhà thầy và nói: "Xin thầy xem chau như con, dạy dỗ tận tình, kể cả đánh mắng nếu cần". Đó là ba mình nói thế chứ mình đâu đến nỗi tệ. Vả lại, thầy C. cũng hiền lành, suốt năm theo học thầy, mình có gì không phải, thầy cũng chỉ nói năng nhỏ nhẹ, khuyên bảo ân cần.
Năm đầu tiên, đúng ngày mồng ba tết, ba mình dẫn mình đến nhà thầy C. chúc tết. Cùng lúc có những đứa học trò khác cũng đến nên ba mình về trước, để mình ở lại chơi. Thầy C. cho chúng mình ăn bánh tét với thịt kho hột vịt, sau lại cho nếm thử rượu vang. Mình nhăn mặt nhấp thử chút rượu mà trước đó thầy đã giảng giải: "Các con phải nhớ, rượu là lễ, người ta chỉ uống rượu khi nào có dịp vui mừng hay lễ lạc. Những kẻ say sưa, nghiện ngập không thể gọi là người biết uống rượu được. Các con còn nhỏ, thầy cho nếm để biết chứ phải đợi đến khi trưởng thành mới được uống. Nhớ chưa?".
Những cái tết sau, mặc dù không còn là học trò của thầy C. nữa nhưng cứ đến mồng ba là ba mình lại đưa mình đến tết thầy.
Một cái tết khi mình đã lớn hơn, mình tự đi đến chúc tuổi thầy C., thầy đã lấy ra một cuốn báo thiếu nhi và hỏi có phải một cái truyện in trong đó là do mình viết không? Mình đáp phải. Thầy xoa đầu mình khen và cho mình uống một ly rượu nho. Thầy nói: "Bây giờ thì coi như con đã trưởng thành, thầy cho phép con uống hết ly rượu này. Thầy chúc mừng con đã có bài đăng báo".
***
Dấu ấn của hai người thầy, cô mà mình vừa kể để lại trong mình thật sâu đậm. Mỗi lần nhìn thấy rượu, mình vẫn nhớ lời thầy C. căn dặn: "Rượu là lễ". Và khi viết bất cứ gì, từ trang văn đến lá thư, mình cũng đều nhớ đến cô giáo V. cùng bài chính tả 9 lỗi để tránh sai sót và chứng tỏ là mình "yêu tiếng Việt".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét