Tường Vy
Ngày 11-12-1992, bộ truyện tranh Nhật Bản Doreamon của nhà văn - họa sĩ Fujiko Fujio được NXB Kim Đồng xuất bản với cái tên “Đôrêmon”. Lúc bấy giờ, hầu như không ai, ngay cả những người xuất bản, biết được bộ truyện tranh thiếu nhi này sẽ có ảnh hưởng lớn lao thế nào đối với thị trường xuất bản, văn hóa đọc Việt Nam trong suốt 20 năm qua.
Cứu cánh giữa cơn bĩ cực?
Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, xuất bản Việt Nam đứng trước một cuộc khủng hoảng lớn. Kinh tế thị trường mở ra, các NXB không còn cơ chế xin - cho mà phải tự lực cánh sinh đầy ngỡ ngàng. NXB Kim Đồng cũng chịu chung hoàn cảnh. Nhớ về thời kỳ đó, nhà văn Nguyễn Quang Lập, nguyên nhân viên NXB Kim Đồng, kể lại: “Ai đời thuở một NXB trung ương mà giám đốc phải vay tiền nhân viên để in sách. Sách bán không được càng vay càng khốn. Hình ảnh tổng biên tập Bùi Hồng phải bày cả chiếu sách bên bờ hồ, ngồi chồm hổm bán lẻ từng cuốn một… đến chết cũng chẳng ai quên...”.
Ông Nguyễn Thắng Vu về NXB Kim Đồng, sau mấy cuốn sách đầu đều không như ý, tất cả quyết định đánh một trận “được ăn cả, ngả thì… từ chức” vào bộ truyện tranh Đôrêmon bản tiếng Thái mà ông có được sau một chuyến khảo sát.
14 giờ chiều ngày 11-12-1992, Đôrêmon ra mắt bản đầu tiên và ngay lập tức gây chấn động toàn ngành xuất bản với con số bản in tăng vùn vụt, từ vài ngàn, lên đến chục ngàn và đến cả trăm ngàn. Cả hệ thống xuất bản bàng hoàng chứng kiến “hiện tượng Đôrêmon” với những hàng dài bạn đọc nhỏ tuổi chờ trước các quầy bán sách đợi sách về mỗi ngày thứ năm hàng tuần. Và Đôrêmon đã tạo nền tảng cơ sở về tài chính cho NXB Kim Đồng để đơn vị này vươn mình mạnh mẽ trở thành một trong các NXB mạnh nhất nước.
Bài học từ chú mèo máy
Nếu chỉ là một bộ sách bán chạy thì chắc chẳng có gì đáng nói. Vấn đề là bộ truyện Đôrêmon đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm về vấn đề xuất bản mà sau này nhiều người cảm thấy gần như là kim chỉ nam của toàn ngành xuất bản.
Đầu tiên là việc đánh giá đúng vai trò quan trọng của ngành phát hành, các đại lý bán sách. Trước đó, lĩnh vực này thường bị xem nhẹ, coi thường trong hệ thống xuất bản. Ông Nguyễn Phú Cương, nhân viên NXB Kim Đồng, nhớ lại: “Buổi họp giới thiệu bộ sách với giới phát hành thành phố không mấy ai quên được: Gửi 60 giấy mời cho các đại lý và những đầu mối lớn, nhỏ. Chỉ có… 6 người đến dự. Đang nửa chừng một chú nhỏ thay mặt gia đình và một anh bán vé số chợt nhớ giấy mời đến họp! Sau này 8 cộng tác viên đầu tiên ấy được vinh danh là Bát trụ triều đình”. Với Đôrêmon, vai trò của phát hành đã được tôn vinh vào vị trí xứng đáng trong hệ thống xuất bản.
Điểm thứ hai mà Đôrêmon đem đến là vấn đề bản quyền. Với thành công của bộ sách, NXB Kim Đồng đã mạnh dạn bàn đến việc thanh toán tiền tác quyền và trở thành NXB đầu tiên của cả nước trả tác quyền tác giả nước ngoài. Vấn đề tế nhị là làm sao thanh toán khoản tiền bản quyền sách đã in từ trước đó, ông Nguyễn Thắng Vu đã có một biện pháp xử lý đầy khôn khéo mà sau này giới xuất bản vẫn nhắc đến.
Ông đề nghị với đối tác là trả trọn gói bản quyền là 100.000 USD và sau đó mỗi bên góp vào Quỹ học bổng Đôrêmon 100.000 USD để giúp các em học sinh nghèo Việt Nam. Quỹ đã giúp rất nhiều em nhỏ Việt Nam có điều kiện học hành. Việc thương lượng bản quyền bộ sách Đôrêmon cũng là bài học đầu cho các nhà làm sách trong nước tham khảo trước khi bước vào các cuộc mua bán bản quyền sau này.
Thế nhưng, bên cạnh vinh quang, Đôrêmon còn để lại cả những mặt tích cực và tiêu cực đối với văn hóa đọc Việt Nam.
Ở góc độ tích cực, bộ sách góp phần không nhỏ khích thích nhu cầu ham đọc nơi bạn đọc, nhất là các bạn trẻ. Từ Đôrêmon, nhu cầu đọc truyện tranh đã hình thành và phát triển nhanh chóng, trở thành một trong những nhu cầu đọc chiếm vị trí chủ lực trong văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay.
Nhưng ở góc độ khác, sự thành công của Đôrêmon đã kéo theo cả một trào lưu manga (truyện tranh Nhật) và sau này là các loại truyện tranh Hàn Quốc, Trung Quốc khác, mà trong đó xuất hiện không ít các tác phẩm không phù hợp với giới trẻ trong nước. Đến mức đã có lúc người ta phải kêu cứu về việc có quá nhiều truyện tranh kích động bạo lực, tình dục, gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét