Thầy trò cùng thi!
Truyện của NV Nguyễn Thái Hải
Nhà Thiếu Nhi tỉnh có câu lạc bộ sáng tác văn học, sinh hoạt mỗi tháng hai lần vào buổi sáng chủ nhật. Mà lạ lắm cơ, cả thầy hướng dẫn và các bạn học sinh sau hai giờ sinh hoạt ở phòng 21 lầu một, đều thích cùng nhau ra ngồi dưới chân mình để trò chuyện và... ăn kem que trước khi chia tay nhau ra về!
À quên, mình chưa tự giới thiệu mình là ai! Bạn hãy làm quen với mình nhé! Trước hết mình phải thú nhận là mình không biết mình đã ra đời tự bao giờ. Mình không có giấy khai sinh đã đành, mà cũng chẳng ai sinh cùng thời với mình đến nay còn... sống! Mình không xạo đâu!
Hôm nọ mình nghe một chú làm việc ở Nhà Bảo Tàng tỉnh giới thiệu về mình với một nhóm du khách, rằng nơi mình đứng chân sinh sống trước đây vốn là dinh tỉnh trưởng của chính quyền miền Nam. Nhưng trước đó nữa, hàng hơn ba trăm năm, khi một ông tướng nhà Minh qua thần phục chúa Nguyễn, được cho kéo lính và dân của ông ấy đến lập nghiệp ở vùng ven sông này, thì rất có thể mình đã có mặt sẵn rồi. Hoặc là chính những người Minh hương ấy đã... trồng mình! Bạn đoán đúng rồi. Mình chính là cây đa cổ thụ nằm trong khuôn viên Nhà Thiếu Nhi, cao đến hai chục mét, cành lá vẫn xum xuê và từng chùm rễ từ trên cao thóng xuống đến gần mặt đất. Thỉnh thoảng, các chú bảo vệ trong Nhà Thiếu Nhi lại phải bắc giàn dáo cắt bớt những chùm rễ của mình vừa cho ngay ngắn, vừa để không chạm đầu những người lớn đi qua. Chung quanh gốc của mình, dễ đến hơn hai mét đường kính, là một bờ gạch xây cao sáu tấc, từ khi hiện diện đã trở thành nơi ngồi nghỉ của rất nhiều thành phần đến đây: các phụ huynh ngồi đợi con, các bạn học sinh đến học hành, vui chơi ra nghỉ ngơi, các du khách muốn có một tấm hình kỷ niệm với... mình!
Và như trên mình vừa kể, có cả thầy trò câu lạc bộ sáng tác văn học hay đến ngồi chơi. À, mình lại quên nữa rồi, họ có tên riêng để gọi đấy: Câu lạc bộ Bút Hồng! Nghe cũng dễ thương chứ, bạn nhỉ?
***
Thầy Lê vốn là biên tập viên của một nhà xuất bản, về hưu đã ba năm và là cộng tác viên của Nhà Thiếu nhi, phụ trách câu lạc bộ Bút Hồng được hai năm nay. Chọn và tận tụy với công việc biên tập gần ba mươi năm, nhưng thầy Lê không tham gia sáng tác. Thầy tâm sự với đám học trò: "Tự biết mình thiếu trí tưởng tượng nên thầy không sáng tác. Thực ra thì nếu thầy viết truyện hoặc làm thơ, thì thế nào cũng có bài được đăng báo, thậm chí được in sách nữa kìa. Mình là người trong giới, làm gì mà anh em họ chẳng chiếu cố cho. Nhưng thầy không thích thế. Ông bà ta có nói: Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, các em ạ...". Rồi một lần khác, thầy lại nói về việc phụ trách câu lạc bộ Bút Hồng: "Đây là một câu lạc bộ sáng tác văn học, thầy thì không sáng tác, vậy thầy có thể hướng dẫn các em không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể. Nó giống như các giáo sư, giảng viên dạy về kinh tế nhưng họ không phải là doanh nhân vậy, các em ạ...".
Kỷ niệm hai năm thành lập câu lạc bộ, thầy Lê lấy tiền túi khao học trò một chầu kem... ăn thoải mái. Có trò đã lập kỷ lục ăn liền tù tì bốn cây kem que các loại: đậu đỏ, đậu xanh, sầu riêng, sô-cô-la có bán ở căntin! Giữ lời hứa, thầy Lê tặng ngay "kỷ lục gia" một cuốn sách văn học mới xuất bản mà thầy chọn mua và đem sẵn theo!
Cuối buổi, thầy Lê tuyên bố:
- Bây giờ thầy ra đề tài sáng tác trong tháng tới: Viết một truyện ngắn với đề tài tự do. Mỗi em sẽ viết một truyện. Đặc biệt, thầy cũng viết một truyện. Đây chính là truyện ngắn đầu tiên của thầy, các em ạ!
Cả bọn học trò mười hai đứa của thầy Lê đều nhảy tưng tưng và reo lên ầm ĩ. Chúng tranh nhau nói:
- Thầy ơi! Chắc truyện của thầy sẽ hạng nhất quá!
- Thầy ơi! Lỡ truyện của thầy dở hơn của tụi em thì sao hả thầy?
- Nhưng mà ai sẽ nhận xét truyện của thầy?
- Thầy ơi! Thầy phải hứa là cuộc chơi này sẽ hết sức công bằng đó!
- Hí hí... Em dám cá là thầy sẽ viết truyện về tuổi thơ của mình... Thầy đâu có trí tưởng tượng mà... bịa, phải không thầy?
Thầy Lê cười mỉm chi, nói thêm:
- Tất cả mười ba thầy trò chúng ta sẽ... cùng làm giám khảo! Việc đánh giá sẽ chia làm ba vòng: Vòng một đánh giá cốt truyện, mỗi người sẽ chấm điểm truyện của mười hai người còn lại. Sau đó căn cứ vào tổng điểm mà chọn ra sáu truyện có cốt truyện hấp dẫn nhất. Vòng hai đánh giá cách thể hiện nhân vật, đối thoại, miêu tả... của sáu truyện trên. Lần này chỉ có bảy người không có truyện được chọn là được chấm điểm, sẽ chọn lấy ba truyện có điểm cao nhất. Vòng ba thì đánh giá về tư tưởng của ba truyện đó để xếp loại nhất, nhì, ba. Giám khảo sẽ là mười người còn lại. Thầy nghĩ thế là công bằng rồi,các em ạ...
Đám học trò lại ồn ào:
- Tuyệt quá thầy ơi! Má em mà biết em mà cũng được làm giám khảo thì thế nào em cũng được thưởng...
- Mà thầy ơi! Mình chọn truyện của mình có được không?
- Sao lại chọn của mình chứ! Không nghe thầy nói à? Chỉ chấm điểm truyện của người khác thôi...
- Vậy giải thưởng ra sao hả thầy? Chắc giải nhất được... mười triệu?
- Thôi, ít vậy ai thi. Giải ba... mười triệu thì... tạm được!
Thầy Lê lắc đầu:
- Không có giải thưởng gì cả! Nhưng sau đó thầy sẽ biên tập lại tất cả mười ba truyện rồi đăng ký in ở một nhà xuất bản! Thầy sẽ cố thuyết phục họ chịu in cho mình. Như thế, tất cả thầy trò chúng ta đều là tác giả sách với tác phẩm đầu tay của mình, các em ạ.
Lần thứ ba, "cái chợ" phát ra đủ thứ âm thanh với sự biểu cảm khác nhau:
- Mình sẽ là... nhà văn ư? Ôi! Có mơ cũng không thấy!
- Thầy ơi! Có in hình tác giả kèm theo tác phẩm không hả thầy? Em có tấm hình chân dung đẹp hết biết đó thầy ơi.
- Ngoài bìa in hình chụp chung câu lạc bộ của mình nha thầy...
- Em sẽ đem sách vô lớp bán.
- Hí hí... Em sẽ mua mười cuốn. Nhà em tính từ ông bà trở xuống có cả thảy chín người, mỗi người một cuốn, riêng em thì hai... Hí hí...
***
Mình cứ tưởng thầy trò câu lạc bộ Bút Hồng nói đùa với nhau cho vui.
Ở Nhà Thiếu Nhi này, có nhiều người thích nói đùa lắm. Mấy cậu trong Đội Tình Nguyện là... chúa! Nhất là khi các cậu ấy bày các trò chơi. Hình như những người trẻ thích nói đùa và họ còn tự biết câu nói nào là đùa, câu nói nào là thật.
Nhưng thầy Lê và mười hai học trò của thầy thì không đùa. Họ "thi" với nhau thật! Hai tuần lễ sau khi "tuyên bố", mười ba "tác phẩm vĩ đại" của họ được trình làng. Những gì diễn ra trong phòng 21 lầu một sáng chủ nhật ấy, mình không được biết. Chỉ biết rằng khi ngồi quanh dưới "chân" mình, họ đã trò chuyện rôm rả rất vui.
Sáu "tác phẩm vĩ đại" đã đạt điểm cao nhất về tính hấp dẫn của cốt truyện được vào vòng hai gồm của ba học trò gái, hai học trò trai và... thầy Lê! Mỗi người trong sáu "nhà văn" này sẽ có một tuần lễ để hoàn chỉnh cách thể hiện truyện của mình trước khi được bảy người còn lại chấm điểm. Cứ theo nội dung nói chuyện của thầy trò Bút Hồng, thì điểm số truyện của thầy Lê chỉ xếp thứ tư trong sáu truyện được chọn. Đứng đầu là truyện của cô bé Thủy Tinh, đang là học sinh lớp 8 trường Trạng Trình.
Mình rất tiếc không được biết nội dung truyện của Thủy Tinh thế nào. Mình chỉ nghe thầy Lê khen: "Tôi đánh giá cao sự tưởng tượng của Thủy Tinh". Đặng Tú, cậu bé có truyện đạt điểm thứ ba thì nói: "Mới đọc, em tưởng bạn Thủy Tinh chép lại chuyện cổ tích để nộp cho có. Không ngờ là bạn ấy lại viết tiếp cho câu chuyện cổ tích mà ai cũng đã biết".
Hay đây! Mình tò mò muốn biết Thủy Tinh đã viết gì quá!
***
Một buổi chiều thứ bảy, bảy "giám khảo" ngồi dưới gốc cổ thụ trăm tuổi trong khuôn viên Nhà Thiếu nhi để bàn về sáu truyện của vòng hai, trước khi từng "vị" sẽ cho điểm. Người được "bầu" làm "chủ tọa" là Khiêm, học sinh lớp 9 trường Hồng Bàng. Đây là sự lựa chọn rất hợp lý: Khiêm đang là liên đội trưởng của trường mình học, Khiêm còn là học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi văn của trường; cuối cùng là vì Khiêm mới được ba má... thưởng, có tiền bao cả bọn mỗi đứa một que kem!
Anh chàng tên Khiêm nhưng chiều cao thì rất "nổ": đúng một mét sáu mươi không hơn không kém! Khiêm ngồi mà vẫn cao vượt các bạn gần cái đầu.
- Tui chính là người đã cho điểm truyện của Thủy Tinh cao nhất ở tính hấp dẫn. Nhưng sau khi bạn ấy hoàn chỉnh về cách thể hiện thì tui thấy vẫn còn vài câu lủng củng, dài dòng, hơi khó hiểu. Về cách thể hiện thì truyện viết đâu vô đó là của... thầy Lê!
Huỳnh, cô bé có hai cái bím tóc luôn cài nơ, trề môi:
- Tưởng gì! Bạn khen thầy Lê viết đâu vô đó là thừa! Tui thấy truyện của thầy Lê chỉ hấp dẫn ở cái đoạn cuối khá bất ngờ. Tui cho là truyện của Hồng Vân sửa lại là tốt nhất. Truyện này xứng đáng cạnh tranh với truyện của Thủy Tinh đó.
- Em có ý kiến - Quý mập, anh chàng nhỏ tuổi nhất câu lạc bộ đưa tay - Em đã đọc hết sáu cái truyện trong một buổi. Đọc lần thứ hai rồi nên dễ chán lắm. Nhưng em vẫn đọc say mê truyện của thầy Lê và của chị Thủy Tinh. Chắc là em sẽ chấm điểm hai truyện này cao nhất!
"Chủ tọa" khoát tay ra hiệu để phát biểu:
- Tui lưu ý các bạn là bữa nay tụi mình chỉ bàn chung về sáu truyện được chấm điểm tiếp. Mà lần này là chấm điểm về cách thể hiện. Lần trước bạn Thủy Tinh được điểm về tính hấp dẫn cao nhất thì lần này giả sử như bạn Hồng Vân được điểm thể hiện cao nhất cũng bình thường thôi. Thầy Lê có nói rồi, sau khi có kết quả thì ba truyện có điểm cao nhất sẽ vô vòng chấm điểm về nội dung tư tưởng. Xếp hạng thì căn cứ vào tổng điểm ba vòng của mỗi truyện.
- Em hiểu rồi! - Quý mập gật gù - Vậy là mỗi truyện có ba cột điểm khác nhau rồi cộng lại...
- Hí hí... Bây giờ mới hiểu thì... hơi bị "chậm tiêu" đó nha!
- Vậy bao giờ thì chấm điểm đây?
- Ai cũng đọc hết rồi, giờ chỉ cần điền điểm vô bản danh sách này là xong.
- Mình sẽ cộng điểm luôn tại chỗ... hí? Sẽ có kết quả luôn... hí?
- Ừ! Vậy đi! Tui chắc là ai cũng nóng ruột muốn biết kết quả lắm rồi!
Khiêm "chủ tọa" gút:
- Vậy bây giờ các bạn sẽ chia nhau ra mỗi người một chỗ riêng để chấm điểm. Thời gian là mười phút phải nộp lại cho tui. Tui sẽ cộng điểm và cho biết kết quả luôn...
... ... ...
Đúng lúc nắng phía sông nhạt đi thì trong tay Khiêm "chủ tọa" có đủ bảy bảng điểm. Anh chàng cao nhòng lấy máy tính ra bấm bấm rồi ghi tổng điểm của mỗi truyện vô cạnh bảng điểm của mình.
- Sao rồi? Ai cao điểm nhất?
- Cao điểm nhất là truyện của thầy Lê! - Khiêm đáp với giọng khá là "nghiêm trọng".
- Thủy Tinh được nhì phải không?
- Về nhì là Hồng Vân. Thủy Tinh thứ ba - Vẫn cái giọng "ông cụ" của Khiêm.
- Nè Khiêm! Bạn thử cộng điểm hai vòng của ba người đó coi ai đang dẫn đầu đi...
- Đúng vậy... hí! Ý kiến hay. Cộng điểm hai vòng đi Khiêm... Hí hí!
- Chờ chút!
- Xong chưa?
- Rồi! Kết quả đây: Thủy Tinh đứng nhất, Hồng Vân thứ nhì, thầy Lê thứ ba.
Cả bảy "giám khảo" cùng vỗ tay cho là kết quả rất thuyết phục.
- Ngày mai sinh hoạt câu lạc bộ, sau khi công bố kết quả, tụi mình sẽ yêu cầu Thủy Tinh phải khao một chầu kem. Ai đồng ý thì giơ tay!
Bảy "giám khảo" đều giơ tay! Cuộc trưng cầu ý kiến đã có kết quả rất... thuyết phục!
***
Thì ra là Thủy Tinh tưởng tượng rồi viết tiếp chuyện cổ tích "Ăn khế trả vàng".Chuyện cổ tích này mình cũng biết.Có lần Nhà Thiếu nhi tổ chức thi kể chuyện mùa hè ngay dưới "chân" mình và có đến ba cô chú bé kể câu chuyện này nên mình nghe và... thuộc. Đó là chuyện người anh tham lam chiếm hết gia tài cha mẹ để lại, chỉ cho người em túp lều với cây khế. Khi người em được chim đến ăn khế rồi chở đi đến đảo vàng lấy được túi ba gang vàng về, người em trở nên giàu có thì người anh động lòng tham. Nhưng chính vì lòng tham mà anh ta bị chim bỏ rơi xuống biển.
Thủy Tinh viết tiếp thế nào mà được điểm cao? Mình nghe mười ba thầy trò câu lạc bộ Bút Hồng nói chuyện mới biết. Thì ra Thủy Tinh viết thế này:
Nhiều năm sau, người em trở thành một trưởng giả nhưng lại sống xa hoa, ham bài bạc. Trong khi đó người anh bị chim thả rơi xuống biển, đã bơi vào được một đảo hoang. Ở đó, anh ta lao động chăm chỉ nhiều năm và trở nên giàu có. Một hôm người anh về thăm em ở đất liền, kể cho em nghe những diễn biến tốt của đời mình.Anh cũng khuyên em nên thay đổi cách sống. Người em không nghe, vẫn tiếp tục bài bạc và bị các chủ nợ kéo đến đòi phải trả nợ cho họ nếu không muốn bị đánh chết. Người anh thương em, về đảo lấy hết của cải mình dành dụm được để trả nợ thay cho em. Sau đó hai anh em cùng nhau chung sức làm việc, gây dựng lại cơ nghiệp từ đầu.
Thầy Lê khen: "Truyện vừa bất ngờ vừa có hậu, rất phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của dân ta".
Mình cũng nghĩ thế.Nếu bắt người anh phải chết ở chuyện cũ thì thương lắm.Còn nếu để người em bị đánh chết ở chuyện mới cũng rất thương.Nhưng giá như Thủy Tinh viết tiếp rằng sau đó một thời gian, hai anh em lại trở nên giàu có, sống an lành và hạnh phúc với việc giúp đỡ dân nghèo trong làng, thì mình nhất định sẽ chọn truyện của Thủy Tinh xếp hạng nhất!
Là nghĩ thế thôi! Chứ mình chỉ là một cây đa cổ thụ, ai cho chấm điểm cuộc thi viết truyện cơ chứ!
***
Hôm nay là ngày chấm điểm xếp hạng "cuộc thi" của thầy trò câu lạc bộ Bút Hồng. Mười ba thầy trò quyết định kéo nhau ra gốc đa cổ thụ để mười giám khảo chấm điểm ba truyện vào chung kết.
Có một thay đổi quan trọng. Tuần trước, lúc sinh hoạt ở phòng 21, thầy Lê nói:
- Thầy cảm ơn các em đã chấm điểm truyện của thầy. Nhưng đây chỉ là thầy thử khả năng nhận xét của các em sau một thời gian học tập vậy thôi. Thầy mà "thi" cùng trò thì coi sao được. Vì vậy, thầy tuyên bố rút truyện của thầy ra, thay vào đó là truyện của em Hùng, người có số điểm cao kế tiếp. Các em có một tuần để chuyền nhau đọc lại thật kỹ ba truyện của Thủy Tinh, Hồng Vân và Hùng. Tuần sau chúng ta sẽ chấm điểm, nhưng chỉ có chín giám khảo thôi, sau khi có kết quả, thầy sẽ "chấm" khả năng làm giám khảo của chín em. Thế mới hay các em ạ!
Chín "giám khảo" học trò rất phấn khởi và tự hào. Chín "vị" với bản danh sách trong tay, chia ra ngồi chín nơi để chấm điểm. Còn lại thầy Lê và ba "thí sinh" thì ngồi nơi bờ gạch quanh gốc đa cổ thụ.
Các bảng điểm được góp lại. Chính thầy Lê lấy máy tính cộng điểm trong vòng vây là... mười hai cái đầu tóc đủ kiểu của học trò. Khỏi cần thầy công bố kết quả vì tất cả đã nhìn thấy trên bảng điểm tổng kết.
Cô bé Thủy Tinh vừa reo vừa nhảy tưng tưng:
- Sướng quá! Em được giải nhất rồi!
- Hồng Vân ơi! Đứng nhì cũng phải khao đó nghe chưa!
- Hí hí... Hùng ơi! Phe con trai mình cũng có giải... Mình sẽ ăn khao riêng nha... Hí hí...
Thầy Lê khoát tay ra dấu cho tất cả im lặng. Rồi thầy nói:
- Bây giờ đến lượt thầy chấm điểm các giám khảo đây!
Mười hai học trò im như trong giờ trả bài trên lớp. Thầy Lê phì cười:
- Sao các em lại nghiêm trọng thế?
Mấy ý kiến rụt rè:
- Hồi hộp quá thầy ơi...
- Thầy đừng có chê nhiều nha thầy...
Thầy Lê nghiêm mặt:
- Phải nói là qua việc chấm điểm ba vòng của các em, thầy rất lấy làm... thất vọng...
Đám học trò nhao nhao lên:
- Trời ơi! Chết tụi em rồi...
- Vậy là chữ nghĩa trả thầy hết rồi còn gì nữa...
- Thầy giải thích đi thầy. Thầy thất vọng vì những điều gì ạ?
Nét mặt thầy Lê càng "hình sự" hơn:
- Trước đó thầy đã đoán là các em không thể có những nhận xét tinh tế và khách quan khi chấm điểm truyện của bạn bè mình. Nhưng kết quả cho thấy là thầy đã nghĩ... sai.
- Ủa! Thầy nói vậy là sao hả thầy?
Bây giờ thầy Lê mới chịu cười khì:
- Thì điều đó có nghĩa là thầy đã rất thất vọng về điều tiên đoán của mình chứ sao.
Quý mập giơ tay nói:
- Vậy là bọn em được khen phải không thầy?
Khiêm cao nhòng chu môi:
- Còn phải hỏi!
- Thầy ơi! - Hồng Vân phát biểu - Đây là một đoạn kết có yếu tố bất ngờ phải không thầy?
Thầy Lê đứng lên. Mười hai học trò đứng lên theo vì tưởng thầy sẽ tuyên bố giải tán. Nhưng không phải vậy. Thầy Lê đứng lên để lấy ví tiền ở túi quần ra rồi ra lệnh:
- Khiêm! Em ra căntin mua ngay mười ba que kem đem về đây!
Sau khi nghe lệnh, Khiêm nhận tiền rồi cùng mười một bạn chạy a về phía căntin, bỏ thầy Lê đứng lại một mình!
***
Bây giờ thì mình biết thế nào là yếu tố bất ngờ trong sáng tác truyện rồi.
Tiếc rằng mình không phải là học trò của thầy Lê, mình cũng không biết viết chữ, đọc chữ... Chứ không, chắc chắn mình cũng sẽ tham gia viết một truyện với sự bất ngờ thế này: Mình sẽ đợi đến cuối cùng mới tiết lộ cho mọi người biết rằng mình chỉ là một cây đa cổ thụ!
15.7.2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét